'Hố tử thần' ở Thanh Hóa có thể do hoạt động của hố caster
Cơ quan chức năng nhận định, 'hố tử thần' khổng lồ xuất hiện ở Thanh Hóa hôm 28/10 nhiều khả năng do hoạt động của hố caster - hiện tượng tự nhiên đặc trưng ở vùng núi đá vôi.
Chiều 28/10, UBND huyện Yên Định, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc họp khẩn nhằm đánh giá nguyên nhân và tìm phương án khắc phục hiện tượng “hố tử thần” xảy ra ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định.
Hố tử thần rộng khoảng 15 m, sâu 25 m. Ảnh: Lê Hoàng.
|
Theo ghi nhận của VnExpress, tối 28/10 “hố tử thần” tiếp tục sạt lở, tuy nhiên cường độ đã giảm rõ rệt so với buổi sáng. Trên miệng hố, nhiều vạt đất ở khu vườn nhà dân xuất hiện những vết nứt dài, lún sâu. Phía đáy hố, nước đục ngầu, sủi bọt. Vài mảng bê tông, đất đá thi thoảng lại ào xuống hố sâu…
Giới khoa học nhận định, “hố tử thần” ở xã Quý Lộc là hiện tượng thiên nhiên lạ nhưng không quá bất thường, từng được ghi nhận ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, như Tuyên Quang, Lạng Sơn. “Nhiều khả năng, hố này là do hoạt động của hệ thống hang động caster, một hiện tượng sụt lún cục bộ thường xuất hiện ở vùng địa hình nhiều núi đá vôi”, ông Lê Tiến Dũng, Phó đoàn Mỏ địa chất Thanh Hóa cho hay.
Theo ông Dũng, ở vùng đá vôi qua thời gian phong hóa thường tạo các hang động ngầm bên dưới. Bình thường lớp phủ trên mặt không bị tác động, nhưng khi có điều kiện sẽ sụt hố caster bên dưới. Chính hoạt động của con người như đào ao, khoan giếng, xây dựng công trình… khiến một lỗ hổng nào đó thông với hang ngầm gây ra sụt lún cục bộ.
'Hố tử thần' ngoạm sát móng nhà dân. Ảnh: Lê Hoàng.
|
Ông Dũng cho hay, ngay khi xảy ra sụt lún, các cơ quan chuyên môn đã có mặt để đo vẽ thực địa, xác định tọa độ và tiếp tục theo dõi làm cơ sở phân tích, tìm nguyên nhân chính xác nhất.
Đoàn cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa cùng có chung quan điểm. “Qua tham vấn các giáo sư đầu ngành ở Viện vật lý ứng dụng, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng này là không đáng ngại. Nếu không thấy xuất hiện dòng chảy, các giếng nước xung quanh không mất nước đột ngột thì có thể tạm thời yên tâm”, ông Lê Minh Thông, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ nói.
Về phương án xử lý hố sụt, ông Thông cho hay, cần thêm một vài ngày theo dõi, nếu hố không còn hiện tượng mở rộng, nền đất ổn định thì có thể dùng đất đá san lấp bình thường.
Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định Nguyễn Đăng Nhượng cho biết, trước mắt sẽ yêu cầu chính quyền địa phương dùng tre luồng rào chắn cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện qua lại; đồng thời cắt cử lực lượng dân quân, công an túc trực thường xuyên nhằm theo dõi diễn biến khu miệng hố.
Khu vườn của hộ dân gần hiện trường xuất hiện nhiều vết nứt dài. Ảnh: Lê Hoàng.
|
Theo chỉ đạo của chính quyền xã Quý Lộc, một số hộ dân sinh sống gần hiện trường đã được lệnh sơ tán đến nơi ở an toàn. Nhiều tài sản của bà con như lúa gạo, trâu bò hay vật dụng có giá trị cũng được di chuyển đến khu vực có nền đất ổn định, nhà cửa kiên cố.
Trước đó khoảng hơn 4h sáng 28/10, “hố tử thần” bất ngờ xuất hiện trên con đường liên thôn ở thôn 2, xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa). Ban đầu miệng hố chỉ rộng chừng 1,5 m nhưng chỉ ít giờ sau, miệng hố liên tục mở rộng.
Đến chiều tối cùng ngày, miệng “hố tử thần” đã rộng hơn 15 m, sâu hơn 25 m và tiếp tục sụt lún. Một nửa con đường liên thôn bằng bê tông cùng nhiều cây cối, đất đá đã bị cuốn sâu xuống lòng đất. Rất may chưa có thương vong.
Lê Hoàng
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Post a Comment